Trong buổi học của lớp nhiếp ảnh bằng máy ảnh phim tại Đại học Florida, các sinh viên được chia thành hai nhóm. Đối với nhóm thứ nhất, Giáo sư thông báo kết quả cuối kỳ của họ sẽ được căn cứ trên số lượng ảnh mà họ chụp được. Càng nhiều cảnh thì điểm số càng cao: 100 bức ảnh được điểm A, 90 bức được điểm B, 80 bức ảnh được điểm C… Đây gọi là nhóm “số lượng”.
Nhóm thứ hai là nhóm “chất lượng”. Sinh viên trong nhóm này chỉ cần nộp duy nhất một bức ảnh nhưng để được điểm A họ sẽ phải nộp một bức ảnh thật hoàn hảo. Điểm của họ được quyết định dựa trên bức ảnh duy nhất này.
Mình đã hỏi bạn bè và khách hàng của mình để họ đoán xem nhóm nào sẽ chụp được những bức ảnh tốt hơn, bất ngờ là mọi người hầu hết nghĩ rằng đó là nhóm số 2- nhóm “chất lượng”.
Thực ra, tất cả các bức ảnh chất lượng nhất đã đến từ nhóm nhóm “số lượng”. Suốt cả học kỳ, những sinh viên trong nhóm số lượng bận rộn chụp ảnh, họ thử nghiệm những thay đổi, kiểm tra các phương pháp. Trong quá trình chụp vô số các bức ảnh đó họ học được từ những sai lầm và mài dũa kỹ năng chụp ảnh của mình.
Còn nhóm “chất lượng” thì sao? Họ chỉ ngồi một chỗ để nghiên cứu làm sao cho ra một bức ảnh hoàn hảo. Kết quả là họ chỉ có một bức ảnh bình thường để nộp.
Mình thấy mình đâu đó ở trong nhóm “chất lượng”. Là người có xu hướng của chủ nghĩa hoàn hảo, mình hay mất nhiều thời gian để thực sự bắt đầu làm gì. Mình hay chờ một ý tưởng tốt nhất rồi mới bắt tay vào viết tài liệu. Mình đợi đến khi mình có môi trường thuận lợi nhất, thời gian phù hợp nhất rồi mới thực hiện một kế hoạch. Mình mắc kẹt ở những bước đầu tiên vì cố làm cho chúng hoàn hảo, giống như là mình bị kẹt ở trang bìa vì không thể thiết kế nó được đẹp nhất theo ý mình, nên mình mãi không đi đến những bước quan trọng hơn là thực sự viết sách.
Chủ nghĩa hoàn hảo này làm cho mình bỏ qua nhiều ý tưởng, bế tắc trong nhiều kế hoạch, và đôi khi không bao giờ hoàn thành một dự án.
Việc viết blog đối với mình là một sự rèn luyện để vượt qua được chủ nghĩa hoàn hảo của bản thân. Thay vì mãi dừng ở một chỗ để cố làm cho nó trở thành “tốt nhất”, mình đang tập để: làm- hoàn thành, làm- hoàn thành và hướng đến cái “tốt hơn”. Hoàn thành trước, hoàn hảo sau.
Còn bạn, điều gì bạn đang bị mắc kẹt vì hướng đến cái “tốt nhất”?
Thảo Phương
Life coach cho phụ nữ và trẻ em
コメント