Mỗi chúng ta đều có những vết thương tinh thần. Rất nhiều trong đó là những ký ức không vui tuổi ấu thơ. Những niềm tin, những cảm xúc lo sợ hình thành trong thời gian đó trở thành một phần code lập trình cách chúng ta nhìn cuộc sống và cư xử.
Gần 5 năm trước khi mình sang Nhật, vì thủ tục visa mà mình sang Nhật trước Chi 6 tháng. Chi là một em bé rất yêu mẹ, bám mẹ. Ngày lên đường, mình sợ Chi khóc, mình khóc nên mình chọn không nói cho Chi biết. Trong lúc Chi xem hoạt hình thì mình lén lên đường, tới một ngày sau đến Nhật mới gọi điện về cho Chi bảo là mẹ đi làm. Nhưng em bé Chi chưa bao giờ khóc trong điện thoại, vẫn nói chuyện và trả lời bình thường. Mình đã nghĩ là trẻ em mà nên chóng quên.
Sau này khi Chi sang Nhật rồi, mình để ý thấy Chi cực kỳ bám mẹ. Không phải theo kiểu lúc nào đi đâu cũng cần mẹ, Chi rất tự lập nhưng lại có một sự bất an nào đó về mẹ. Ví dụ như cực kỳ lo lắng khi mẹ đi công tác, hốt hoảng khi ngủ dậy không nhìn thấy mẹ đâu, khóc khi mẹ đi đâu đó mà không có Chi đi cùng. Chi cũng rất nhạy cảm với cảm xúc của mẹ, rất cố gắng để làm mẹ vui. Mình lờ mờ nhận thấy sự bất an của Chi. Mình cảm thấy rất có lỗi, vì có thể việc mình đi không nói cho Chi biết năm 2 tuổi đã gieo vào Chi sự bất an đó.
Khi Chi 5 tuổi và mình nhận sự bất an của Chi, mình bắt đầu nói chuyện với Chi về sự việc khi 2 tuổi. Mình hỏi việc gì làm con buồn nhất (kanashii nhất) từ trước tới giờ? Lần đầu tiên, Chi dường như không nghĩ ra được sự việc gì đặc biệt, con kể một vài sự việc mới xảy ra. Mình hỏi con có nhớ lúc con 2 tuổi mẹ đi Nhật trước không? Tại vì mẹ yêu Chi, mẹ sợ sẽ khóc lúc chia tay nên mẹ không nói cho Chi biết, mẹ xin lỗi Chi nhé. Mẹ rất yêu Chi, mẹ không bao giờ muốn xa Chi.
Sau cuộc nói chuyện đầu tiên đó, mình cũng hỏi lại Chi một vài lần nữa. Có lúc Chi nhớ, có lúc không nhưng mỗi lần mình đều giải thích, chân thành xin lỗi và khẳng định mẹ yêu Chi. Thường ngày mình cũng cố gắng để cho con cảm thấy yên tâm, báo trước kế hoạch mỗi khi đi đâu, liên lạc đầy đủ, thường xuyên nói yêu con.
Bẵng đi một thời gian, gần đây Chi tương đối “nổi loạn”. Mình lại thấy một chút bất an đó ở trong hành vi của Chi khi con hỏi: Mẹ có yêu con nữa không? Con như thế này mẹ có ghét con không? Mỗi khi con có hành vi không đúng và bị mẹ mắng. Mình sẽ khẳng định: mẹ không thích hành vi đó của con nhưng mẹ yêu con. Một hôm, khi đang ngồi nói chuyện vui vẻ, bỗng nhiên Chi vừa cười vừa bảo: Mẹ có biết điều buồn nhất từ trước tới giờ của con là gì không? Là hồi con 2 tuổi mà mẹ đi Nhật ấy. Con đã khóc bao lâu lúc xem TV xong mà không thấy mẹ đâu, con rất buồn.
Đây là lần đầu tiên cô gái tự nói ra điều này. Mình đã ngạc nhiên vì những lần trước con đều không nhớ rõ. Nhưng mình cũng đã yên tâm hơn vì nói ra được cũng có nghĩa là con đã cảm thấy ít sợ, ít bất an hơn.
Mỗi chúng ta đều có những “vết thương” nào đó trong quá trình lớn lên. Trong cuộc sống bận rộn, có lúc chúng ta quên, có lúc chúng ta nhớ, nhưng khi vết thương vẫn ở đó, nó vẫn lập trình cho những cách cư xử và phản ứng của chúng ta. Những sự bất an, những nỗi sợ từ tuổi ấu thơ vẫn đi theo chúng ta vào trong các mối quan hệ hiện tại. Có những người sẽ xây dựng tường thành, tránh né người khác để tránh tổn thương. Có những người sẽ hi sinh cả bản thân để làm người khác vui lòng vì sợ bị rời bỏ. Có những người sẽ cố gắng để quản thúc người khác vì sợ họ sẽ đi mất. Có những người sẽ tìm mọi cách để thử thách người kia để có thể yên tâm và tin tưởng… Tìm thấy và đối mặt với “vết thương” của mình là việc cần thiết để tái lập trình lại cách sống của chúng ta.
“Vết thương” nào lúc nhỏ mà bạn nhận thấy đang lập trình hành vi của mình?
Thao Phuong
Life coach cho phụ nữ và trẻ em
Comments