top of page
Writer's picturePhuong Thao

Tháp nhu cầu Maslow trong tình yêu- gia đình




Abraham Maslow- nhà tâm lý học người Mỹ (1/4/1908 – 8/6/1970) cho rằng con người có một số mong muốn cơ bản giống nhau là động lực cho những hành động và quyết định. Những nhu cầu này được sắp xếp theo thứ bậc với một số nhu cầu cơ bản hơn những nhu cầu khác, được Maslow đề xuất là “Tháp nhu cầu”.

Tháp nhu cầu được biết đến phổ biến nhất gồm có 5 bậc với 5 nhu cầu được xếp từ thấp đến cao:

- Nhu cầu sinh học: nhu cầu cơ bản nhất để sống sót bao gồm: hít thở, ăn, uống, ngủ, có nơi trú ngụ. Với bản năng sinh tồn, nhu cầu này cần phải được thoả mãn đầu tiên trước khi con người có những nhu cầu khác.

- Nhu cầu an toàn: An toàn bao gồm cảm giác yên tâm, ổn định, không gặp nguy hiểm hoặc không có điều gì sợ hãi. Ví dụ như có được đủ thu nhập để mua đồ ăn qua ngày là nhu cầu thiết yếu. Khi không phải lo lắng về thu nhập mỗi ngày nữa, chúng ta sẽ nghĩ đến việc tích lũy, tiết kiệm để có một khoản phòng thân- đây là nhu cầu an toàn.

- Nhu cầu yêu thương: Nhu cầu được kết nối với những người khác, được thuộc về một nhóm nào đó. Chúng ta đạt được nhu cầu này qua các mối quan hệ tình bạn, tình yêu, gia đình…

- Nhu cầu được tôn trọng: Nhu cầu tự tin về bản thân, nhận được sự tôn trọng, tin tưởng từ những người xung quanh. Nhu cầu này được đáp ứng khi chúng ta đạt được những mục tiêu, hoàn thành công việc và nhận được sự công nhận hay tôn trọng, kính trọng của người khác với thành công đó.

- Nhu cầu thể hiện bản thân: Mong muốn được sáng tạo, được thể hiện khả năng của mình, thể hiện bản thân một cách trọn vẹn nhất- là động lực để phát huy tối đa tiềm năng của một người.

Nhu cầu sinh học và nhu cầu an toàn là hai nhu cầu cơ bản, và nhu cầu yêu thương, được tôn trọng và thể hiện bản thân là các nhu cầu nâng cao.

Mình cảm thấy rất thú vị khi nghĩ về những nhu cầu trên tháp Maslow này, đặc biệt là việc dịch chuyển từ những nhu cầu cơ bản đến những nhu cầu nâng cao. Mình đã thử xem xét những nhu cầu này trong tình yêu và gia đình.

Trước hết, mình nghĩ nhu cầu an toàn là một nhu cầu cực kỳ lớn. Ngày nay, chúng ta dễ dàng đạt được những nhu cầu cơ bản để sinh tồn: ăn, ngủ, mặc…, nhưng không phải ai cũng cảm thấy “an toàn”. Ví dụ như đối với một người, có một khoản tiết kiệm nhỏ trong nhà là đã đủ để thoả mãn nhu cầu an toàn. Người đó đã cảm thấy đủ và mong muốn đi tìm tình yêu. Có những người có một người bạn đời ủng hộ và đủ mỳ tôm ăn trong một tháng tới là họ đã cảm thấy thoả mãn, để đắm mình trong đam mê sáng tạo, thể hiện bản thân mình.

Nhưng đối với một người khác có một tuổi thơ cực kỳ khó khăn, đôi khi cả một đời họ chưa thoát ra được nhu cầu an toàn. Họ kiếm tiền, mua nhà lầu, mua xe hơi, hàng chục tỷ trong ngân hàng nhưng vẫn cảm thấy sợ một ngày nào đó mình sẽ quay lại cuộc sống khó khăn. Họ kiếm tiền, phấn đấu, thăng tiến và không bao giờ thấy đủ. Mình thấy cũng dễ hiểu khi có những nam giới dù công việc và thu nhập tốt vẫn cảm thấy bản thân chưa ổn định để lấy vợ sinh con. Đơn giản là nhu cầu an toàn của họ nhiều hơn người khác.

Mình cho rằng việc kết hôn khác với nhu cầu yêu thương. Mình nghĩ là có những người, việc kết hôn vẫn nằm trong nhu cầu an toàn. Có những người sợ sự đánh giá của xã hội, sợ bị nói ế, sợ bị phát hiện giới tính, sợ khác với những người khác- nên họ chọn kết hôn để giống với số đông của xã hội. Họ kết hôn để phục vụ cho nhu cầu cảm thấy an toàn. Cho đến một ngày khi nhu cầu này không còn cấp thiết và họ chuyển lên một bậc nhu cầu mới là yêu thương, họ mới nhận ra hôn nhân của mình hoàn toàn không làm cho họ cảm thấy yêu và được yêu, và họ mắc kẹt trong đó.

Mình nghĩ rằng thước đo nhu cầu của mỗi người là khác nhau. Không phải tất cả chúng ta đều thỏa mãn một nhu cầu ở cùng một mức độ. Giống như sự an toàn đối với người này, vẫn là sự bất an đối với người khác. Những bữa cơm ăn cùng nhau thoả mãn nhu cầu yêu thương của người này, nhưng vẫn không đủ để lấp sự cô đơn của người khác. Bởi vì thước đo nhu cầu của mỗi người khác nhau nên không phải hai vợ chồng sống trong một gia đình thì sẽ ở cùng một bậc nhu cầu như nhau. Người vợ có thể đang ở bậc nhu cầu yêu thương và mong muốn nhiều thời gian bên nhau, thể hiện tình cảm, quan tâm. Nhưng người chồng với một công việc chưa ổn định thì chỉ muốn tập trung cho công việc vì họ vẫn đang còn tìm sự an toàn. Hoặc một người đã đến giai đoạn mong muốn phát triển bản thân, muốn thoát ra khỏi một công việc có thu nhập ổn định hoặc nhàm chán, nhưng đối phương phản đối kịch liệt và nói “không thể hiểu được”. Đơn giản là hai người ở hai bậc nhu cầu khác nhau.

Maslow cho rằng khi một nhu cầu được thoả mãn, con người sẽ bị thôi thúc bởi những nhu cầu cao hơn theo thứ tự trên tháp nhu cầu. Ví dụ như một cặp vợ chồng khi cuộc sống khó khăn, họ bận rộn bươn chải mưu sinh để đáp ứng nhu cầu cơ bản của mình là đủ ăn đủ mặc. Khi không còn phải lo ăn qua ngày, họ vay trả góp để có một ngôi nhà mang tên mình, một khoản tiết kiệm lúc ốm đau. Khi không cần lo lắng về tương lai gần nữa, bây giờ một trong hai chợt nhận ra mình cần nhiều hơn là khoản tiền hàng tháng người bạn đời mang về nhà: họ muốn được cảm thấy quan tâm, yêu thương, thấu hiểu. Có những ông chồng bảo: “cũng như thế này mà ngày xưa thì không sao, bây giờ đúng là được voi đòi tiên”. Dựa trên tháp nhu cầu của Maslow, đó là điều không thể tránh khỏi: người vợ đã tiến đến một bậc nhu cầu khác cao hơn.

Nhu cầu không phải chỉ di chuyển đi lên một chiều. Có thể chúng ta đang sống một cuộc sống đầy đủ, chúng ta ở giai đoạn khao khát phát triển bản thân, phát huy tối đa tiềm năng của mình. Nhưng rồi bỗng nhiên một vấn đề xảy ra, có thể là mất đi công việc ổn định bởi COVID, thì chúng ta rơi xuống tầng thấp nhất. Bây giờ đầu óc chúng ta chỉ còn nghĩ được việc làm sao để tìm được việc, làm sao để có thu nhập… và việc phát triển bản thân bị gạt sang một bên.

Tóm lại thì, mình nghĩ biết bản thân và những người khác đang ở bậc nhu cầu nào sẽ giúp chúng ta hiểu tại sao mình và người khác lại đưa ra những lựa chọn và quyết định này, nhận ra sự thay đổi trong nhu cầu của họ giúp chúng ta dễ cảm thông hơn.

Bạn và những người thân đang ở đâu trên tháp nhu cầu Maslow?



Thảo Phương

Life coach cho phụ nữ và trẻ em


87 views0 comments

Comentários


bottom of page